Di tích đền Pác Tạ là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285: vị tướng tài giỏi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lúc đó đương trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã khôn khéo chỉ huy quân chống giặc từ Vân Nam xuống. Theo những tư liệu lịch sử cho thấy, ngôi đền Pác Tạ được dựng lên bên Gâm giang dưới ngọn Tạ sơn để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Bên kia hồ thủy điện Na Hang là đền Pác Tạ
Hình ảnh về vị hôn phu của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã được người dân nơi đây khoác lên tấm áo truyền thuyết ly kỳ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng: Trong thời gian trấn thủ vùng đất Tuyên Quang xưa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã đem lòng ái mộ con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông, Triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho Tướng quân Trần Nhật Duật với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn phu của Tướng quân họ Trần về Kinh đô, qua đây gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của Trần Nhật Duật và cả đoàn tùy tùng bị chìm dưới dòng sông. Đã mấy ngày trôi qua, mà thân xác bà vẫn chưa được tìm thấy. Cảm thương trước tình cảnh của bà, Triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông Gâm tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Khi đó có người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác.
Đền Pắc Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pắc Tạ. Cửa đền quay hướng Nam trông ra dòng sông Gâm. Ban đầu, đền Pắc Tạ nằm trên một doi đất bên hữu ngạn sông Năng phía đối diện với vị trí hiện tại. Đền được dựng với kết cấu 3 gian 2 chái bằng tranh, tre, nứa, lá. Nhưng có một hôm, trời nổi cơn giông lớn, mái đền bị gió cuốn bay qua sông sang rẻo đất cao đối diện, dưới chân núi Pắc Tạ ngày nay. Người dân địa phương cho rằng đây là ý muốn của Thánh Mẫu nên từ đó, ngôi đền được dựng dưới ngọn núi Pắc Tạ. Ngày nay, núi Pắc Tạ và đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến Na Hang.
Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người miền sơn cước tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đây là ngôi đền thiêng, dân thập phương qua đây buôn bán lâm thổ sản quý hiếm đều dừng thuyền thắp hương cầu nguyện được như ý. Ngày nay, cùng với núi Pắc Tạ , đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.