Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 108km về phía Bắc thuộc địa phận hai huyện Na Hang, Lâm Bình và giáp với ba tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Na Hang từ lâu được xem là vùng đất cổ tích giữa đại ngàn hoang sơ
Na Hang là một huyện vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 110km. Phía bắc giáp huyện Bắc Mê - tỉnh Hà Giang, huyện Bảo Lạc - tỉnh Cao Bằng. Phía đông giáp huyện Chợ Đồn- tỉnh Bắc Kạn. Phía nam giáp huyện Chiêm Hoá - tỉnh Tuyên Quang. Phía tây giáp huyện Bắc Quang - tỉnh Hà Giang.
Huyện Na Hang nằm trong lưu vực của 2 sông lớn là sông Gâm và sông Năng, địa hình có hướng thấp dần từ bắc xuống nam. Đất đai có thành phần cơ giới tự nhiên nhẹ đến trung bình, tầng dầy nhiều mùn, hơi chua, độ pH từ 4,5 - 6, độ ẩm tương đối cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng như lê, mận, chè bông và thuận lợi cho phát triển nghề rừng.
Huyện Na Hang có nhiều rừng nguyên sinh, thảm thực vật tương đối dày đặc, độ che phủ 83% diện tích tự nhiên, nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là loài Voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.
Na Hang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, không khí lạnh, khô hanh ít mưa, có nhiều sương muối cục bộ. Nhiệt độ trung bình năm 230C. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%.
Tại nơi dòng sông Gâm chảy từ Hà Giang về gặp gỡ dòng sông Năng đổ từ Bắc Cạn tới, đã hình thành một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú – đó là Na Hang, vùng sinh thái đa dạng nằm trên vòng cung sông Gâm với hơn 83% đất rừng tự nhiên. Nơi đây mỗi dòng sông, nhánh suối, mỗi ngọn núi, cánh rừng đều gắn liền với những truyền thuyết hay câu chuyện mang đầy vẻ ma mị nhưng không kém phần hấp dẫn…
Lòng Hồ và thác Khuổi Nhi
Nà Hang từ bao đời đã là vùng đất an cư của gần 66.000 người dân thuộc 15 dân tộc trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh… Sự giao thoa giữa các nền văn hóa đã tạo nên một vùng văn hóa dân gian độc đáo với những làn điệu Then, Sli, Lượn, tiếng đàn Tính, tiếng Khèn… làm đắm lòng bao lữ khách. Là một vùng đất cổ, Na Hang đã phát hiện hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá tại hang Phia Vài có niên đại trên dưới 10.000 năm; tại hang Thẩm Choóng cũng phát hiện nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 - 8.000 năm.
NA HANG - KHU DU LỊCH SINH THÁI
Nằm trên địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, khu du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha trong đó bao gồm 8.000ha diện tích mặt nước. Nếu trước đây từ thành phố Tuyên Quang lên đến Na Hang người dân địa phương phải đi mất vài ngày bằng con đường độc đạo dài hơn 100km, thì ngày nay với con đường đã được nâng cấp mở rộng, du khách chỉ mất chừng hai tiếng đồng hồ theo xe khách là đã có thể đặt chân lên vùng đất hoang sơ kỳ bí…
Đến Na Hang, du khách sẽ khó lòng khước từ lời mời du thuyền trên lòng hồ thủy điện, bởi đây là cơ hội để có thể ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng thắng cảnh quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát, hang Phia Vài… Đi dọc sông từ Thượng Lâm, du khách còn bất ngờ với chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày có nghĩa là cọc buộc trâu) sừng sững mọc lên giữa mặt nước gắn với sự tích Tài Ngào. Dọc đường đến Tân Xuân du khách còn có dịp mãn nhãn thích thú với thác Nậm Mè (Suối Mẹ), nơi dòng nước đổ như mái tóc buông xỏa xuống rừng cây đại ngàn tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ hiếm thấy…
Ngoài cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng những di cốt hóa thạch của người nguyên thủy, những lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh như lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng, lễ Cấp Sắc, lễ Tơ Hồng, lễ Rước Dâu của người Dao trong trang phục thổ cẩm độc đáo…, Na Hang còn hấp dẫn khách du lịch bởi những món ăn thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của một vùng như lẫu cá Lăng, cá Nheo, thịt Trâu khô, thịt Bò khô, xôi ngũ sắc, các loại rau rừng khá lạ lẫm mà thiên nhiên ưu ái ban tặng như rau Rớn, rau Dạ… đặc biệt rượu Ngô men lá Sơn Phú, rượu Đao uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không làm cho say xỉn (!)…