Cây đặc sản vùng này cũng có nhiều chuyện để kể, nhất là cây mận. Ai được thưởng thức mận Hồng Thái một lần sẽ nhớ mãi. Tuy nhiên, hiện nay cây mận Hồng Thái không còn nhiều, toàn xã chỉ còn hơn 300 gốc. Bà Đặng Thị Hương, thôn Khau Tràng nhớ lại: “Những năm trước, đường từ Đà Vị lên Hồng Thái vẫn còn là đường đất. Vào ngày mưa, các thôn gần như bị cô lập hoàn toàn. Nhìn những quả mận, quả lê không bán được, với bao ngày người nông dân cõng nước trên lưng, tưới mồ hôi để chăm sóc phải đổ bỏ mà lòng đau nhói, nước mắt cứ ứa ra. Những mùa thất thu khiến bà con đã chặt phá cây mận truyền thống”. Câu chuyện của bà Hương có lẽ cũng chính là lý do mà lên Hồng Thái bây giờ ít thấy vườn mận bạt ngàn như trước. Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nhữ Ngọc Dưỡng đi cùng đoàn chúng tôi trăn trở: “Chúng tôi cũng đang nỗ lực cùng chính quyền nơi đây khôi phục lại cây mận đặc sản. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngoài nội lực thì rất cần sự giúp sức của các ngành liên quan”.
Mận Hồng Thái & Táo lai Lê
Nhắc đến Hồng Thái, người ta không thể không nói đến cây lê, loài cây đặc sản có từ lâu đời trên mảnh đất này. Lê ở Hồng Thái vốn có vị chua chát, chỉ người ăn quen mới cảm nhận hết được hương vị đậm đà của nó nên giá trị kinh tế không cao. Đến năm 2001, dự án trồng cây lê Hồng Thái được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã thu hút được một số hộ dân tham gia. Dự án thực hiện với việc lấy giống từ lê Lạng Sơn ghép với gốc lê địa phương để lấy vị ngọt mát nhưng vẫn giữ được vị riêng của lê bản địa; lấy bộ rễ khỏe của lê địa phương để tạo ra cây lê lai cho năng suất cao. Việc ghép giống đã được thực hiện trong một thời gian dài và chất lượng cây lê dần được cải thiện. Kết quả của quá trình ghép giống giúp tạo ra giống lê mới có năng suất cao hơn, độ ngọt và thành phần dinh dưỡng tăng lên. Nếu như giống lê bản địa trước đây, mỗi kg phải từ 7 - 10 quả thì giống lê lai mới chỉ từ 3 - 5 quả. Hiện toàn xã có hơn 3.000 gốc lê, trung bình mỗi gốc lê cho thu hoạch từ 20 đến 50 kg quả. Đến vụ, tư thương các nơi đến tận nơi thu mua với giá từ 7.000 - 10.000/kg nên cuộc sống của nhiều gia đình trồng lê ở Hồng Thái được cải thiện
Thượng Lâm là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của huyện Lâm Bình. Được bao bọc bởi những dãy núi đá, Thượng Lâm được ví như “vườn treo Babilon”, một Hạ Long trên cạn.
Qua bao thế hệ, những người già Thượng Lâm, Lâm Bình thường kể cho con cháu truyền thuyết phượng hoàng về làm tổ trên vùng đất mình sinh sống. Truyền thuyết kể rằng, vùng đất này là nơi giao hòa giữa trời và đất, địa khí phong thủy, hữu tình. Vào một ngày người dân trong vùng chợt nhìn thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi để làm tổ. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi đủ để 99 con đậu, còn một con bay lượn đi, lượn lại không tìm thấy chỗ đậu bèn vỗ cánh bay đi. Vậy là, cả đàn lại bay theo con chim đó, để lại dấu tích 99 ngọn núi với hình dáng chim phượng hoàng, mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm trù phú.
Lại có một tích khác về những người con gái đất Thượng Lâm rằng: Nơi thung lũng Thượng Lâm này, xưa có một nàng tên Bàn Hoa Trang, sắc nước hương trời, nhờ có được bí quyết làm đẹp từ một loài thảo dược chỉ có trên vùng 99 ngọn núi. Vẻ đẹp của nàng chẳng mấy chốc đến tai Vinh Thành đại vương, ngài bèn rước nàng về làm vợ. Thương nhớ quê, không muốn để mất bài thuốc bí truyền, Bàn Hoa Trang đã kịp âm thầm bày lại cho những cô gái Thượng Lâm phương thuốc thần diệu kia. Nhờ thế, chẳng mấy chốc cả vùng Thượng Lâm sơn cước này bỗng thành một thung lũng với những người con gái đẹp. Bởi vậy mà Thượng Lâm không nổi tiếng với những cảnh đẹp mê hồn mà Thượng Lâm còn được ca ngợi là “Miền gái đẹp” đã tốn nhiều giấy mực của các nhà báo khi đến đây.
Thượng Lâm còn có di tích chùa Phúc Lâm ở thôn Nà Tông. Đây là một trong những nơi ẩn chứa các dấu tích của một nền văn hóa xưa đầy tự hào, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng và bằng phẳng dưới chân núi Chùa mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần thế kỷ XIII - XIV. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng tông vào ngày 15 tháng Giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để tham quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu.
Đến Thượng Lâm du khách còn rất ấn tượng với những nếp nhà sàn vương làn khói trắng, thanh bình thấp thoáng ven những triền núi. Thật ấm cúng khi du khách cùng ăn những bữa cơm thân mật với gia chủ. Trên sàn nhà bên bếp lửa hồng cùng nhau nâng bát rượu ngô và thưởng thức các món ăn truyền thống do các bà, các mế, các thiếu nữ nấu. Những món ăn như măng rừng luộc chấm mẻ, rượu ngô, cá ướp mẻ nướng, rau dớn xào, canh đắng... mang dư vị của núi, của rừng đủ làm du khách say lòng với đất và người Thượng Lâm.